|
Cây mía đã gắn bó với người dân huyện Thạch Thành hàng chục năm nay, nhất là từ khi có Nhà máy Đường Việt – Đài, mía đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, do đất bạc màu nên năng suất mía ở nhiều vùng trong huyện rất thấp. Cây dưa hấu mới du nhập (từ năm 2002) nhưng đã chiếm ưu thế về nhiều mặt như: thích nghi với nhiều loại đất, thời gian 75 ngày đã cho thu hoạch, giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay, giữa cây mía và cây dưa hấu đang có những ý kiến trái chiều, người dân thì quyết tâm làm dưa, còn huyện thì kiên quyết loại bỏ???
Để tìm hiểu vấn đề này chúng tôi tìm về thôn Bình Chính, xã Thạch Sơn là một trong những thôn có diện tích trồng dưa trên đất quy hoạch mía nhiều nhất. Đến cánh đồng bãi Trâu Đằm có diện tích 8,2 ha đang phủ một màu xanh của dưa đang ở tuổi trưởng thành. Thấy chúng tôi đến, ông Nguyễn Văn Phúc đang chăm sóc dưa dừng ngay công việc, vừa vén chiếc áo “phông” đã bạc màu, lau những giọt mồ hôi đang lấm tấm trên trán vừa nói: Từ năm 1996, khi có Nhà máy Đường Việt - Đài đến nay đã 13 năm, vùng đất này chỉ trung thành với cây mía, nhưng do canh tác cây mía lâu năm trên một diện tích đất nên đất bị bạc màu, trồng mía không còn năng suất nữa. Những năm đầu năng suất đạt tới gần trăm tấn/ha thì có lãi, mấy năm trở lại đây năng suất đạt thấp chỉ được 60 tấn/ha, nếu trừ chi phí may ra thì hòa nếu không thì lỗ. Để chứng minh cụ thể, ông Phúc làm một phép tính sơ bộ chi phí cho 1ha mía: giống khoảng 4 triệu đồng; công cày bừa 2,6 triệu; phân bón (có hai đợt bón phân, bón lót và bón thúc) khoảng 14 triệu đồng, thuê người thu hoạch, người trồng, thuốc sâu... tổng chi phí khoảng 25 đến 30 triệu đồng/ha, cộng với 8 tháng vất vả chăm sóc, khi được thu hoạch theo giá mua hiện nay của nhà máy là 450 nghìn đồng/tấn thì 1ha bán được 26,6 triệu đồng. Đó là chưa nói đến việc khi chúng tôi thu hoạch xong, phải chờ 10 đến 15 ngày mới có xe đến vận chuyển. Như vụ mía 2008 nhà tôi phải chờ tới 1 tháng 10 ngày mới có xe đến thu mua. Vì vậy, trồng mía đã nhiều năm nay nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám chúng tôi.
Tới cánh đồng Sống Vằng, gặp ông Nguyễn Quang Chính, 54 tuổi, ở thôn Bình Sậy, xã Thạch Sơn, là người trồng dưa hấu từ năm 2002 cho biết: Dưa hấu có giá trị kinh tế rất cao, thời gian trồng chỉ 75 ngày. Mỗi ha năng suất dưa đạt khoảng 15-20 tấn quả, giá bán bình quân 4.000 đồng/kg, như vậy 1 ha có thể đạt tổng giá trị từ 70 đến 80 triệu đồng, trừ các chi phí thì cũng còn lại từ 40 đến 60 triệu đồng. Khi hỏi anh Nguyễn Văn Sơn, ở xã Thạch Bình, tại sao các bác nói rằng trồng mía bị lỗ, nhưng bác lại có xe máy “xịn” vậy, anh Sơn bộc bạch: Nói thật với chú, xe anh mua được là nhờ “Hắc Mỹ Nhân” đấy. Thấy tôi chưa hiểu, anh Sơn giải thích: Hắc Mỹ Nhân là giống dưa bà con ở đây trồng, loại dưa này hình dáng đẹp, quả ngọt, bán rất được tiền, vì vậy đại đa số chúng tôi ở đây đều trồng giống dưa này. Biết rằng trồng dưa trên đất quy hoạch mía là vi phạm quy định của huyện, của tỉnh nhưng vì người dân chúng tôi thấy có hiệu quả kinh tế cao nên cũng cứ trồng liều chú ạ. Ở đây xin được nói thêm, khi người dân các xã: Thạch Sơn, Thạch Bình, Thạch Đồng, Thạch Quảng... tự phát trồng dưa hấu trên đất quy hoạch mía thì ngày 26–2–2009 UBND huyện Thạch Thành đã ra Công văn Số 125 về việc cưỡng chế, kiên quyết loại bỏ cây dưa ra khỏi địa bàn trong thời hạn tối đa là 5 ngày, làm người dân trồng dưa hoang mang. Để tránh thiệt hại về kinh tế cho dân, đến ngày 12–3–2009, UBND huyện Thạch Thành ra Công văn số 177 về việc dừng cưỡng chế dỡ bỏ cây dưa hấu, nhưng các hộ dân phải cam kết chỉ trồng một vụ dưa này, không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép...
Anh Bùi Ngọc Bảy, phó chủ tịch UBND xã Thạch Sơn, cho biết: Nhiều năm nay, quả thực năng suất cây mía rất thấp nên người dân đều có nguyện vọng luân canh cây trồng trên đất mía. Anh khẳng định: Nếu thời tiết thuận lợi thì lợi nhuận của cây dưa hấu cao gấp 3 đến 4 lần cây mía. Tuy nhiên rủi ro cũng rất cao, nếu cây dưa chỉ gặp một trận gió lớn hoặc một cơn mưa đá thì coi như trắng tay. “Đầu ra” của cây dưa thì chưa có đơn vị nào đứng ra bao tiêu sản phẩm, khi thu hoạch phải phụ thuộc các lái buôn. Nhìn chung việc trồng dưa cũng chỉ là năm ăn năm thua. Tuy nhiên, cây dưa hấu không nằm trong định hướng cơ cấu cây trồng của huyện và ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người, vật nuôi, nguồn nước trong khu dân cư bởi vì cây dưa phải sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật độc nhóm I như là TREEBUFOS 10%.
Trong niên vụ 2009 - 2010, UBND huyện Thạch Thành giao cho xã Thạch Sơn trồng 250 ha mía, trong đó 240 ha mía nguyên liệu và 10ha giống cho vụ xuân. Theo anh Bảy thì chưa năm nào xã Thạch Sơn hoàn thành được kế hoạch vì có nhiều lý do. Thứ nhất, đất gò, bãi chiếm một diện tích lớn, những vùng đất này bạc màu trồng cây mía không hiệu quả; thứ hai là trồng trên đất một vụ lúa cũng không được vì ở đây có tầng đất mỏng, phía dưới là tầng đá vôi khi cây mía trưởng thành không bám rễ sâu được, chỉ cần một cơn gió mạnh mía sẽ đổ. Theo sự chỉ đạo của huyện, trong năm nay xã Thạch Sơn huy động tối đa các quỹ đất thì cũng chỉ trồng được khoảng 180 ha. Như vậy, để bảo đảm sản lượng mía nguyên liệu và phải trồng hết diện tích đất quy hoạch trồng mía để rồi trồng theo kiểu “lỗ cũng phải trồng” là điều không nên làm.
Thiết nghĩ, để cho người dân yên tâm với trồng mía, đồng thời thâm canh cây mía có năng suất, hiệu quả hơn, nên chăng huyện Thạch Thành cùng với nhà máy đường có những chính sách kích cầu; tăng giá thu mua mía nguyên liệu; hỗ trợ cho dân về giống, về vốn, kỹ thuật. Để tăng được năng suất và sản lượng mía, cùng với việc cải tạo đất bằng phương pháp “cho mía nghỉ” một vài năm để luân canh cây màu khác, chú trọng đến xây dựng hệ thống tưới tiêu, bảo đảm đủ nước cho sản xuất, có như vậy thì dân mới mặn mà với cây mía. Nhưng có một vấn đề đặt ra ở đây là: nếu để cho mía “nghỉ” hoặc để cho dân tự phát trồng cây màu khác có hiệu quả kinh tế cao thì sẽ phá vỡ vùng quy hoạch trồng mía và có nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất cho nhà máy Việt - Đài có công suất 6.000 tấn/ngày. Đây là một bài toán khó mà các cấp chính quyền ở huyện Thạch Thành đang lúng túng chưa tìm ra lời giải.
Đối với cây dưa hấu, nếu chỉ chú ý đến lợi nhuận trước mắt mà ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng thì các cấp chính quyền ở huyện cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho nhân dân trong lĩnh vực này, để người dân tự giác chấp hành, đồng thời cần mở các lớp tập huấn sản xuất, kinh doanh rau, quả sạch cho người dân trong vùng, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong chương trình xóa đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện.
(Theo báo thanh hoá điện tử) |
|