|
Làm việc với các đồng chí cán bộ ở Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và kết hợp với chuyến đi tìm hiểu tại vùng mía đường Lam Sơn, chúng tôi được biết, mới đầu tháng 4 nhưng trên địa bàn tỉnh ta các nhà máy đường đã kết thúc việc thu mua mía vụ ép 2008-2009. So với các vụ ép trước, vụ ép này thời gian hoạt động đã rút ngắn gần 2 tháng.
Theo khảo sát và đánh giá bước đầu, cả 3 vùng mía trong tỉnh có tổng diện tích 32.058 ha với năng suất bình quân toàn vùng đạt 50,3 tấn/ha, tổng sản lượng dự kiến đạt 1.657.200 tấn, bằng 98% diện tích và 79% sản lượng so với vụ ép 2007-2008. Trong đó diện tích và sản lượng của các nhà máy cụ thể như sau: Công ty CP Mía đường Lam Sơn có diện tích 15.295 ha mía, năng suất bình quân đạt 55,3 tấn/ha, sản lượng dự kiến đạt 845.000 tấn; Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan có diện tích 11.100 ha, năng suất 52,25 tấn/ha, sản lượng dự kiến 580.000 tấn; Công ty CP Mía đường Nông Cống có diện tích 5.664 ha, năng suất mía bình quân đạt 41 tấn/ha, sản lượng dự kiến 232.216 tấn. Đến hết ngày 5-4, khi cả 3 nhà máy đường đều kết thúc việc thu mua mía nguyên liệu thì tổng sản lượng chỉ đạt 1.380.262 tấn, giảm gần 350.000 tấn so với dự kiến. Sản lượng mía thu mua cụ thể ở cả 3 nhà máy đường đều giảm khá nhiều: Lam Sơn chỉ đạt gần 80%; Việt Đài chỉ đạt 85% và Nông Cống đạt 90% sản lượng thu mua so với niên vụ trước.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới trong giai đoạn khủng hoảng đang có những tác động xấu đến phát triển kinh tế trong nước, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp chế biến nông sản thì việc sụt giảm nguyên liệu mía đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của các nhà máy, cũng như tốc độ tăng trưởng của tỉnh.
Có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc sụt giảm sản lượng mía nguyên liệu nhưng có thể kể đến một số nguyên nhân chính như sau: Vào vụ xuân năm 2008 là thời điểm trồng mía nguyên liệu cũng là lúc sản phẩm sắn (cả sắn tươi và tinh bột) đang có giá khá cao trên thị trường, nên ở nhiều vùng trung du cây sắn đã lấn đất của cây mía. Cũng do việc cây sắn lấn cây mía mà ở cả 3 vùng mía đường trong tỉnh, diện tích mía đều giảm từ 300 đến 500 ha. Nguyên nhân kế tiếp là cũng vào thời điểm đầu năm 2008, thời tiết khắc nghiệt, rét đậm, rét hại kéo dài, giá cả vật tư phân bón, công chăm sóc tăng cao dẫn đến năng suất thấp, sản lượng giảm sút trong niên vụ này cũng là điều dễ hiểu. Theo đánh giá, vùng mía đường Lam Sơn năng suất mía vụ này giảm hơn 18 tấn/ha (năng suất ở niên vụ trước bình quân đạt 71 tấn/ha), vùng mía phía Bắc giảm hơn 7 tấn/ha (năng suất vụ trước đạt gần 60 tấn/ha) và vùng mía đường Nông Cống giảm hơn 3 tấn/ha (vụ trước đạt 44,3 tấn/ha). Bên cạnh việc diện tích giảm, năng suất thấp, có một nguyên nhân không kém phần quan trọng đó là giá thu mua mía nguyên liệu còn thấp, chưa tương xứng với công sức và đầu tư của người sản xuất. Niên vụ vừa qua, Công ty CP Mía đường Lam Sơn thu mua theo chữ đường cho 1 tấn mía cây đạt 10ccs có giá mua tại nhà máy là 550.000 đồng, nhưng hầu hết các lô mía đạt 10ccs rất ít nên giá bình quân chung chỉ được 450.000 đồng/tấn. Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan thu mua tại ruộng là 450.000 đồng/tấn; còn giá thu mua tại nhà máy là 500.000 đồng/tấn. Còn Công ty CP Mía đường Nông Cống mua phân loại với giống ưu tiên (là những giống có chất lượng cao) với giá 415.000 đồng/tấn tại ruộng, còn các giống đại trà thấp hơn nhiều. Như vậy, theo hạch toán của người sản xuất, mỗi ha mía thu giá trị bình quân khoảng 20 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc, thu hoạch... khoảng 60% thì thu nhập của người trồng mía quá thấp. Trong khi đó các công ty mía đường của Nghệ An đã thu mua với giá từ 550 đến 600.000 đồng/tấn; ở Quảng Nam thu mua với giá từ 600 đến 650.000 đồng/tấn... nên nhiều khả năng một số lớn sản lượng mía ở các vùng Nông Cống, Như Thanh, Như Xuân đã được đưa vào bán cho các nhà máy chế biến đường các tỉnh phía trong.
Bước sang năm 2009, việc đầu tư trồng mía ở các địa phương trong vùng có nhiều thuận lợi hơn. Đó là thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, giá một số loại vật tư giảm nhiều so với cùng thời điểm này của năm trước. Đồng thời bài học về phát triển ồ ạt của cây sắn đã giúp nhiều nông dân “tỉnh ngộ” và quay về với cây mía là cây nằm trong vùng quy hoạch. Vì thế để ổn định diện tích 32.464 ha, thì các vùng trong tỉnh cần trồng mới 10.632 ha. Tuy nhiên đến hết tháng 3 các địa phương trong tỉnh cũng chỉ mới trồng được hơn 4.000 ha, trong đó vùng mía đường Lam Sơn có tiến độ trồng nhiều nhất, được hơn 3.000 ha. Điều mà người trồng mía trong vùng quan tâm lúc này là tỉnh cần có chính sách hỗ trợ các loại giống mía mới có năng suất và chất lượng cao; đồng thời hỗ trợ người trồng mía đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất mía. Có như vậy diện tích và sản lượng mía mới ổn định, đời sống của nhân dân vùng mía mới được nâng cao, nhất là trong thời kỳ sản xuất nông nghiệp chịu nhiều tác động của suy giảm kinh tế như hiện nay.
(Theo báo Thanh Hóa điện tử) |
|